Mặt bằng cho thuê TP.HCM, giảm giá 25 – 30% vẫn khó giữ chân khách
Sau 4 tháng từ khi khách cũ rời đi, cửa hàng cho thuê quận 10 của chị Xuân mới kiếm được khách thuê mới. Dù chấp nhận giảm giá thuê từ 16 triệu xuống còn 14 triệu/tháng, nhưng cũng sau 7 tháng hoạt động, cửa hàng tiếp tục bị thanh lý hợp đồng.
Chị cho biết lúc đầu khách chỉ muốn ký hợp đồng thuê 6 tháng vì lo lắng việc kinh doanh không thuận lợi. Chị đã hỗ trợ, nếu chấm dứt hợp đồng sẽ chỉ phạt 1 tháng tiền cọc nên khách gia hạn lên thành 1 năm. Nhưng cuối cùng khách vẫn thanh lý sớm vì buôn bán ế ẩm.
Mặt bằng cho thuê TP.HCM vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm, khách thuê trả mặt bằng sau vài tháng thuê.
Cửa hàng này đang là một nguồn thu chính của gia đình, nếu để trống lâu không có khách thuê chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình sẽ gặp khó khăn. Vậy nên dù phải giảm giá thuê, chị Xuân cũng đành chấp nhận.
Anh Phước Hòa, chủ một mặt bằng cho thuê TP.HCM cho biết, từ năm 2021 đến nay, cửa hàng nhà anh cứ cho thuê được vài tháng là khách lại trả mặt bằng. Khách thuê lâu nhất cũng chỉ được 12 tháng.
“Mặt bằng này tôi đã cho rất nhiều khách thuê, từ kinh doanh quần áo, đến quán café, cửa hàng đồ điện và gần đây nhất là mở quán bán phở. Tuy nhiên không ai trụ được lâu”.
Anh Hòa cho biết, hầu hết đều do việc buôn bán khó khăn, khách thuê không trụ thêm được nên phải trả cửa hàng. Anh cũng đã giảm giá 30% nhưng nhiều khách không muốn tiếp tục duy trì thua lỗ.
Chị Lan, chủ một mặt bằng kinh doanh nhà phố thương mại quận 2, TP. Thủ Đức cũng vừa mất một khách thuê và đang tìm người thuê mới. Dù hợp đồng thuê còn hơn 7 tháng nữa nhưng khách vẫn trả lại do kinh doanh khó khăn.
Một khi mặt bằng cho thuê TP.HCM liên tục bị trả lại cũng khiến việc tìm khách thuê mới bị ảnh hưởng. “Người ta cũng phân vân là vị trí này có vấn đề gì không mà ai thuê cũng không làm ăn được. Vậy nên có nhiều người hỏi thuê nhưng sau khi tìm hiểu chung quanh thì họ lại từ bỏ”, chị Lan tâm sự.
Một chủ nhà có mặt bằng cho thuê đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 cho biết, anh đã giảm giá thuê gần 30% so với giá chào thuê. Nhưng khách thuê chỉ hoạt động được vài tháng đã trả mặt bằng. Hiện tại, anh đang để trống mặt bằng cho thuê hơn 2 tháng, vẫn chưa có khách mới vào. Với mức thuê 15 triệu đồng/tháng, chủ nhà chia sẻ cần tìm khách thuê lâu dài.
Với chủ nhà, thời gian tìm khách trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng không dễ dàng. Nếu trước đây, nhiều chủ nhà khá kén chọn khách, không thích cho thuê mặt bằng kinh doanh nấu nướng hay quán nhậu, giờ có khách thuê, họ chỉ yêu cầu về an toàn và thời gian hoạt động, còn lại đều có thể nhân nhượng.
Nỗi lo mất khách vẫn thường trực
Nỗi lo mất khách đang thường trực ở các chủ nhà có mặt bằng cho thuê TP.HCM. Số liệu thị trường BĐS tháng 8/2023 của Batdongsan.com.vn cho thấy, nhu cầu tìm thuê các mặt bằng kinh doanh, cửa hàng trên cả nước giảm 3% so với tháng 7.
Riêng với các mặt bằng kinh doanh TP.HCM, lượt tìm thuê giảm đến 5%. Trước đó, nhu cầu thuê các mặt bằng nhà phố thương mại TP.HCM cũng suy giảm liên tục từ 5-7% trong các tháng vừa qua.
Còn trong báo cáo quý 2/2023 của Bộ Xây dựng, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh bán lẻ có xu hướng giảm trong quý 2/2023. Tình trạng trả mặt bằng đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay những vị trí trung tâm xuất hiện ngày càng phổ biến.
Từ sau Covid-19 đến nay, thị trường mặt bằng cho thuê TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn, khách thuê rất hạn chế việc mở thêm cửa hàng, kén chọn hơn khi đi thuê. Những mặt bằng cho thuê nào không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách cân nhắc của các thương hiệu lớn nhanh chóng.
Bên cạnh yếu tố kinh tế khó khăn, kinh doanh kém hiệu quả khiến làn sóng trả mặt bằng diễn ra mạnh từ cuối năm 2022 đến nay. Sự thay đổi trong cơ cấu chi tiêu cũng phần nào ảnh hưởng tới ngành bán lẻ.
Việc người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ thái độ thận trọng và đang dần thay đổi hành vi tiêu dùng của mình. Thương mại trực tuyến cùng các dịch vụ giao hàng tận nơi phát triển nhanh chóng làm thay đổi quan điểm về kinh doanh mua bán của nhiều mặt bằng bán lẻ truyền thống.
Ngoài ra, xu hướng giảm thiểu chi tiêu trên hầu hết các ngành hàng, trừ một số ngành hàng cốt lõi, sự dịch chuyển từ chi tiêu cho sở thích cá nhân về chi tiêu cơ bản rõ ràng là làm giảm triển vọng ngành bán lẻ. Chính yếu tố bất lợi từ nền kinh tế khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ về mục tiêu tài chính và tối ưu hóa chi tiêu cho mặt hàng thiết thực hơn.
Vì vậy, các mặt bằng kinh doanh TP.HCM dù giá thuê không cao, nhưng vì buôn bán ế ẩm khiến chủ quán khó cầm cự. Trong đó, các hoạt động kinh doanh gần các khu công nghiệp bị ảnh hưởng mạnh do làn sóng mất việc, công nhân về quê diễn ra nhiều trong thời gian qua. Nhiều chủ quán hàng không có lượng khách đã quyết định đóng cửa.
Trước đây, việc trả mặt bằng chủ yếu diễn ra ở khu trung tâm thì nay, nhiều mặt bằng cho thuê TP.HCM ở các quận huyện vùng ven như Bình Tân, Bình Chánh, quận 9, quận 12, Gò Vấp, Tân Phú… cũng rơi vào ế ẩm, treo biển kiếm khách nhiều tháng nay.
Gần đây, các môi giới cho thuê liên tục đăng tải thông tin cho thuê mặt bằng hoặc sang nhượng quán trên trang cá nhân. Trong đó, khá nhiều mặt bằng là kinh doanh quán cà phê hoặc quán ăn. Điều này cho thấy, làn sóng trả hoặc sang mặt bằng diễn ra ngày càng mạnh.